Từ đầu tháng 10 dương lịch, cây táo mèo với tên gọi khác là sơn tra trên rẻo cao Tây Bắc bắt đầu vào mùa quả chín. Loài cây gắn bó lâu đời với người H’Mông trên những bản làng cao chót vót, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Chúng tôi đến huyện miền núi Bắc Yên (Sơn La) – thủ phủ của cây táo mèo chứng kiến không khí mùa thu hoạch. Những xã vùng cao như: Làng Chếu, Háng Đồng, Hang Chú, Xím Vàng…, đâu đâu cũng thấy không khí rộn ràng trèo hái, mua bán táo mèo.
Loài cây “đặc sản” của người H’Mông
Người H’Mông chọn những nơi heo hút, cao nhất trên những dải núi hùng vĩ Tây Bắc để định cư. Táo mèo cũng chẳng biết từ bao giờ mọc rồi đơm hoa, kết trái nơi hoang vu, chót vót, gắn bó tri kỷ với bản H’Mông.
Đồng chí Bí thư đảng ủy xã Làng Chếu (Bắc Yên) Hạng A Củ (SN 1976) mở đầu câu chuyện về táo mèo bằng một lời khẳng định: “Người H’Mông bọn mình bao đời nay đã biết vào rừng lấy táo mèo, rồi nhân giống mang về bản trồng, chăm sóc và thu hoạch hằng năm”.
Hầu hết các bản vùng cao ở 15 xã tại huyện Bắc Yên đều có cây táo mèo. Nhưng theo anh Củ, táo mèo tập trung nhiều nhất, quả đẹp ngon nhất chỉ có ở vài bản thuộc bốn xã heo hút nhất là: Xím Vàng, Hang Chú, Làng Chếu, Háng Đồng.
Theo các cụ cao niên nhất ở các bản tại xã Làng Chếu thì cây táo mèo đã mọc tự nhiên ở trong rừng từ xa xưa. Trước đây người H’Mông đi rừng thường trèo lấy quả táo mèo chín về để ngâm rượu, ngâm mật ong… chứ chẳng ai biết mua bán. Đến khoảng cuối thập niên 80 – đầu 90, bà con bắt đầu biết cách nhân giống để đem cây táo mèo tự nhiên về trồng quanh bản, bên nhà mình.
Anh Củ tâm sự: “Những cây ăn quả khác đem lên trồng ở các bản H’Mông cực kỳ khó sống do thời tiết khắc nghiệt, do mùa đông kéo dài, sương muối băng giá. Nhưng cây táo mèo thì hợp đất rẻo cao. Bà con H’Mông các bản chỉ cần chăm sóc một thời gian đầu khi cây mới trồng. Sau đó cây cứ tự lớn, đơm hoa kết trái. Đặc biệt sau khoảng ba năm, cây đã ra quả và cho thu hoạch”.
So trồng lúa nương thì trồng táo mèo nhàn hạ hơn nhiều. Hợp thổ nhưỡng, nên đến bản nào ta cũng gặp táo mèo như tín hiệu báo địa giới của người H’Mông. Đến nay toàn huyện Bắc Yên có hơn 2.000ha táo mèo trồng (chưa kể những cây mọc tự nhiên trong rừng). Điển hình như xã Xím Vàng đã có khoảng 500ha và hầu như hộ nào cũng trồng.
Giữa thu, táo mèo bắt đầu chín rộ và có bản còn giữ được quả trên cây cho đến tận Tết Nguyên đán. Hai loại cây mang lại kinh tế, no ấm cho bà con là lúa nương và táo mèo đều cho thu hoạch vào dịp mùa thu – tháng 10-11 dương lịch. Mỗi năm chỉ có một mùa lúa chín ngoài nương và một vụ thu hoạch táo mèo trên rừng nên bà con ai cũng mong chờ, háo hức ra mặt. Từ những cô bé, cậu bé đến các ông, bà lão U70, U80 đều chung tâm trạng hân hoan, phấn khích, vào vườn, vào rừng cùng nhau thu hoạch táo mèo.
Táo mèo chín có vị chua, chát nhưng ăn xong nhấp miệng thì ta lại có cảm giác của vị ngọt. Vì cây “đặc sản” nên không đồng bào nào hiểu táo mèo bằng người H’Mông. Anh Hạng A Củ cho biết, ngoài ngâm rượu, người H’Mông còn ngâm quả táo mèo với đường, mật ong rừng để uống như một vị thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, từ xa xưa người H’Mông đã biết sấy khô quả táo mèo rồi pha nước làm thức uống như một loại trà. Nước trà táo mèo có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp, nó còn như một vị thuốc có tác dụng kiện vị, tiêu thực, chữa các bệnh đường tiêu hóa.
Những điền chủ táo mèo
Từ lời giới thiệu của anh Hạng A Củ, chúng tôi tới bản Cáo A, xã Làng Chếu gặp hai hộ gia đình có diện tích trồng táo mèo lớn nhất xã. Hiện nay nhà anh Sồng A Mang và anh Sồng A Su, mỗi hộ có gần 3 ha táo mèo.
Gặp Sồng A Mang ở vườn táo, anh cho biết, dù hợp thổ nhưỡng và chịu được mùa đông băng giá, nhưng không phải năm nào táo mèo cũng bội thu. Anh Mang giải thích: “Trồng chăm sóc táo dễ lắm, nhưng cây còn phụ thuộc vào ông trời. Lúc ra quả non mà gặp trận mưa đá, dông lốc thì rụng nhiều lắm. Vùng núi cao lại rất hay gặp mưa đá, dông gió mạnh các chú à”.
Chúng tôi gặp anh Sồng A Su và các thành viên trong gia đình đang đổ đống quả táo mèo ra phân loại. Về vụ táo mèo năm nay, anh cho hay, khá được mùa, nhà anh ước tính thu hoạch được 5-6 tấn. Với diện tích 3 ha, có năm cao nhất cho sản lượng hơn 7 tấn.
Anh Su kể, lái buôn ở Yên Bái, Hòa Bình hay tận Hà Nội đánh xe lên mua nhiều, táo được giá lắm. Có năm được mùa lại được giá, có hộ thu nhập 70-80 triệu đồng. Hầu hết các hộ mấy bản vùng cao xã Làng Chếu đều trồng táo mèo. Trung bình thu nhập của hộ trồng ít, trồng nhiều trên dưới 50 triệu đồng/vụ. Số tiền đó có lẽ với nhiều người dưới xuôi thì không lớn. Nhưng với bà con người H’Mông quanh năm chỉ biết trông chờ vào một vụ lúa nương cộng thêm mấy con vật nuôi thì có thêm khoản tiền thu từ táo mèo sẽ vô cùng ý nghĩa. “Mấy đứa con nhà mình vào năm học mới cần quần áo mới, sách vở, đồ ăn uống trong nhà, chi phí sinh hoạt trông chờ cả vào vụ lúa và vụ táo thôi đó”, nhiều người nơi rẻo cao heo hút này đã trải lòng như vậy.
Tới bản Xím Vàng, xã Xím Vàng để gặp điền chủ có vườn rừng táo mèo mà người dân giới thiệu là lớn nhất vùng Bắc Yên. Đó là anh Hạng A Lồng. Vườn táo bạt ngàn nhà anh nằm trên sườn núi cheo leo. Táo cũng được trồng quanh nhà. Với diện tích cho thu hoạch gần 10 ha thì bình quân một năm gia đình anh bán ra khoảng 15-20 tấn. Với sản lượng như trên, nhà anh Hạng A Lồng dự tính có thu nhập hơn 300 triệu đồng/vụ sau khi đã trừ hết chi phí trong năm nay.
Những chùm táo chín vàng đung đưa trong gió, những tiếng cười nô đùa của đám trẻ, cảnh rộn ràng hái táo, hình ảnh đếm tiền khi mua bán táo… là những gì đọng lại trong chúng tôi khi tạm biệt mảnh đất này.
Mọi thông tin về táo mèo, rượu táo mèo, quý khách vui lòng liên hệ:
Dacsan.com – Tặng quà đặc sản, trao vạn tinh hoa
Địa chỉ: Chung cư Tây Thạnh, Đường C8, P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TP Hồ Chí Minh
Website: https://dacsan.com
Hotline: 0901 486 486